Để tour lặn ngắm san hô trở thành sản phẩm độc đáo (Bài 2): Chung tay bảo vệ

VHO- Trong thời gian qua, tác động của tự nhiên và con người gây suy giảm nghiêm trọng hệ sinh thái rạn san hô trên các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Chính vì vậy, bảo vệ và cứu các loài san hô sống dưới biển khơi đã và đang được tiến hành một cách thận trọng, khoa học và có trách nhiệm.

Để tour lặn ngắm san hô trở thành sản phẩm độc đáo (Bài 2): Chung tay bảo vệ - Anh 1

 Chuyên gia giám sát của Cù Lao Chàm quan trắc san hô Bãi Dứa tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn (Bình Định)

 Bảo vệ tốt, đồng nghĩa sẽ giữ bền vững một tour du lịch độc đáo về lặn ngắm san hô.

Báo động san hô bị xâm hại

Mới đây, hình ảnh nhiều du khách và nhiếp ảnh gia vô tư giẫm đạp lên các rạn san hô để săn ảnh tại Di tích danh thắng quốc gia Quần thể Hòn Yến, tỉnh Phú Yên được đăng tải và chia sẻ trên các trang mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên giao UBND huyện Tuy An chủ trì, phối hợp với Sở VHTTDL, cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra thông tin trên do các cơ quan báo chí phản ánh, đồng thời các đơn vị chức năng cũng đã khẩn trương triển khai biện pháp hiệu quả để bảo vệ, bảo tồn di tích danh thắng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Tại Bình Định, thời gian qua nhiều diện tích rạn san hô Hòn Sẹo tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn bỗng nhiên bị chết hàng loạt, trong đó có đề cập đến một nhóm người từ địa phương khác đến nơi này lén lút khai thác trộm vào ban đêm, khiến hệ sinh thái biển nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay sau đó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành chức năng khảo sát, đánh giá, làm rõ nguyên nhân san hô tại khu vực Hòn Sẹo chết hàng loạt.

Vào đầu tháng 7, trong lúc tuần tra trên vùng biển phía Bắc đảo, Đồn Biên phòng Lý Sơn và Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã phát hiện ngư dân Nguyễn Văn Dũng (25 tuổi) và Nguyễn Văn Hân (32 tuổi) đều trú tỉnh Quảng Bình đang lặn khai thác san hô trái phép trong Khu bảo tồn Biển. Qua kiểm tra trên thuyền thúng, lực lượng chức năng đã phát hiện 7 bao tải chứa 27 cây san hô thuộc bộ san hô cứng có trọng lượng 131kg đã chết. “Cơ quan chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hai ngư dân trên với số tiền 25 triệu đồng. Đồng thời, tiêu hủy toàn bộ san hô theo phương thức thủ công”, thiếu tá Lâm Đình Hiếu, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Lý Sơn thông tin.

Ông Võ Thanh Tùng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ san hô Gành Yến, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, nguyên nhân rạn san hô không còn nguyên vẹn là do tác hại môi trường, du khách đến tham quan, có khi người dân đi lặn nhum, rong mơ, đạp chân vào san hô cũng làm san hô bị gãy, không còn đẹp. “Hiện tại, trong quá trình trực, nếu phát hiện có người bẻ san hô hoặc hành động tổn hại san hô thì chúng tôi vận động trả về chỗ cũ vì hiện tại chưa có hành lang pháp lý, chế tài xử phạt nên giải pháp cũng chỉ dừng lại ở vận động, tuyên truyền”, ông Tùng bày tỏ.

Bảo vệ san hô là bảo vệ sự sống của các loài sinh vật biển

Tại Nha Trang (Khánh Hòa), UBND TP Nha Trang vừa có báo cáo về kết quả thực hiện các giải pháp xử lý tình trạng suy giảm rạn san hô ở Hòn Mun thuộc vịnh Nha Trang. Theo đó, có đề xuất khoanh vùng bảo vệ và lắp camera để giám sát san hô trên vùng biển nói trên. Sở dĩ chính quyền sở tại ra thông báo cũng vì lý do nhiều người lặn biển phát hiện rạn san hô dưới đáy biển Hòn Mun (thuộc vùng lõi vịnh Nha Trang) bị hư hại, chết trắng hàng loạt.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Hiện nay chỉ mới có rạn san hô ở vùng biển Lý Sơn nằm trong khu vực được bảo tồn. Đối với rạn san hô ở khu vực thắng cảnh Gành Yến thì chỉ mới được cộng đồng địa phương tự chung tay bảo vệ, hiện đang được khảo sát và định hướng xây dựng phát triển điểm du lịch Gành Yến, trong đó gắn với bảo tồn Gành Yến”.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, rạn san hô sống đóng vai trò như một khu rừng nhiệt đới dưới biển, nó vừa đóng vai trò điều hòa nhiệt độ, lượng oxy trong nước, chúng là giá thể, là nơi để các sinh vật khác đến trú ngụ, sinh sản, là nơi cung cấp thức ăn và bãi đẻ cho một số loại sinh vật đến định cư. Khu vực nào có rạn san hô phát triển tươi tốt, độ phủ cao, thì nơi đó sẽ thu hút nguồn lợi hải sản về định cư ở khu vực đó ngày càng tăng, nó sẽ cung cấp một nguồn thực phẩm dồi dào, phong phú nuôi sống nhiều ngư dân trên đảo sống bằng nghề khai thác thuỷ sản, cung cấp sinh cảnh đẹp để du khách tham quan, trải nghiệm lặn ngắm san hô và các sinh vật sống trong rạn. “Việc bảo vệ san hô chính là việc bảo vệ sự sống của các loài sinh vật biển, hạn chế được tác động của biến đổi khí hậu cũng như tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân thông qua các hoạt động khai thác thuỷ sản hợp lý và khai thác du lịch như lặn ngắm san hô theo đúng pháp luật”, ông Mười khẳng định.

Những năm qua để đáy biển đẹp hơn mỗi ngày không rác thải, đặc biệt hút khách khám phá về sản phẩm du lịch bằng dịch vụ lặn ngắm san hô ở các bãi rạn, các tổ bảo vệ san hô ở Bình Định âm thầm, lặng lẽ ra quân thường xuyên thu dọn rác thải dưới đáy biển. Từ năm 2020, UBND TP Quy Nhơn đã công nhận và giao cho 4 tổ cộng đồng tại các địa phương với 220 thành viên quyền đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên tổng diện tích 46ha mặt nước có rạn san hô. Bà Nguyễn Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định cho biết: “Đối với khu vực nào chịu ít tác động của thiên nhiên và có thể bảo vệ rạn san hô được thì giao cho tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương quản lý bảo vệ, đồng thời tiến hành đặt phao tiêu, đặt biển cảnh báo để người dân không vào khai thác trái phép hoặc hạn chế đi lại khu vực này. Về lâu dài, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần xây dựng khu bảo tồn loài và sinh cảnh tại khu vực vịnh Quy Nhơn để bảo vệ rạn san hô”.

Bài 3: Để trở thành một sản phẩm độc đáo

PHAN HIẾU - NHƯ ĐỒNG - XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc